Sáp nhập tỉnh thành các loại giấy tờ nào cần sửa đổi cập nhật thông tin?Sáp nhập tỉnh sẽ miễn phí khi chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung về việc sáp nhập tỉnh cần sửa đổi cập nhật thông tin giấy tờ và sẽ miễn phí khi chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan
1. Sáp nhập tỉnh thành các loại giấy tờ nào cần sửa đổi cập nhật thông tin?
Theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận 126-KL/TW và Kết luận 127-KL/TW năm 2025 thì thời gian tới sẽ sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Dưới đây là các loại giấy tờ nào cần sửa đổi cập nhật thông tin khi sáp nhập tỉnh thành:
(1) Căn cước
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Căn cước 2023 thì thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước.
Đồng thời, tại Điều 21 Luật Căn cước 2023 quy định công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
Trường hợp thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn hai năm trước độ tuổi cấp thẻ căn cước quy định nêu trên thì có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi căn cước tiếp theo.
Tại khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định các trường hợp cấp, đổi lại thẻ căn cước, trong đó có trường hợp:
đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
Như vậy, người dân chỉ phải đổi căn cước khi hết hạn, trường hợp thẻ căn cước thay đổi do sáp nhập tỉnh thì người dân chỉ đổi khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó, tại Quyết định 571/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, lãnh đạo Bộ Công an được giao nhiệm vụ ban hành hướng dẫn thay đổi địa chỉ cư trú của công dân do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử.
(2) Giấy phép lái xe
Căn cứ khoản 2, 3 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại giấy phép lái xe trong các trường hợp sau đây:
2. Người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại giấy phép lái xe trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép lái xe bị mất;
b) Giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được;
c) Trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe;
d) Thay đổi thông tin ghi trên giấy phép lái xe;
đ) Giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng;
e) Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
3. Khuyến khích đổi giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2012 sang giấy phép lái xe theo quy định của Luật này.
Đồng thời, tại điểm d Điều 21 Thông tư 12/2025/TT-BCA quy định yêu cầu đối với việc đổi giấy phép lái xe như sau:
d) Trường hợp ngày, tháng, năm sinh, họ, tên, tên đệm, quốc tịch, nơi sinh, nơi cư trú ghi trên giấy phép lái xe có sai lệch với căn cước công dân hoặc căn cước thì cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đổi giấy phép lái xe mới phù hợp với thông tin ghi trong căn cước công dân hoặc căn cước;
Tuy nhiên Điều 10 Nghị quyết 190/2025/QH15 về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước quy định không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, người dân chỉ phải đổi giấy phép lái xe khi hết hạn, trường hợp có thay đổi do sáp nhập tỉnh thì người dân chỉ đổi khi có nhu cầu.
(3) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Căn cứ khoản 21 Điều 13 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định thông tin về biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm:
21. Trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thể hiện: “Đổi tên ... (ghi tên đơn vị hành chính trước thay đổi) thành ... (ghi tên mới của đơn vị hành chính)”.
Ví dụ: Trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm thì ghi: “Tên huyện thay đổi từ huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm”.
Tuy nhiên, tại điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định:
Điều 133. Đăng ký biến động
1. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi sau đây:
…
d) Thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất;
…
2. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu. Đối với trường hợp đăng ký biến động quy định tại điểm p khoản 1 Điều này thì được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp.
Như vậy, khi sáp nhập tỉnh không yêu cầu người dân phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động, việc đăng ký biến động, thay đổi thông tin chỉ thực hiện khi người sử dụng đất có nhu cầu.
2. Sáp nhập tỉnh sẽ miễn phí khi chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan
Theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận 126-KL/TW và Kết luận 127-KL/TW năm 2025 thì thời gian tới sẽ sáp nhập tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sáp nhập tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Trong đó, nhiệm vụ cụ thể của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
- Ban hành hướng dẫn việc thực hiện nguồn vốn đầu tư công và việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030; việc xác định ưu đãi đầu tư; thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp thay đổi địa giới hành chính; thay đổi thông tin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh của cá nhân, tổ chức;
- Ban hành hướng dẫn công tác lập dự toán, định mức chi; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; việc miễn phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; xử lý trụ sở, tài sản làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.
Như vậy, sắp tới Bộ trưởng Bộ tài chính sẽ ban hành hướng dẫn về việc miễn phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến sáp nhập tỉnh.
Trình tự sáp nhập tỉnh theo quy định mới
Bước 1: Xây dựng đề án
Chính phủ tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính gồm có:
- Tờ trình về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính;
- Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính;
- Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Dự thảo nghị quyết của Quốc hội hoặc dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
Bước 3: Lấy ý kiến nhân dân
Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến Nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính bằng các hình thức phù hợp theo quy định của Chính phủ.
Bước 4: Hoàn thiện đề án
Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở các đơn vị hành chính có liên quan để xem xét, cho ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
Bước 5: Thẩm định đề án
Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính phải được thẩm định trước khi trình Chính phủ và được thẩm tra trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bước 6: Xem xét thông qua đề án
Việc lập đề án, trình tự, thủ tục xem xét, thông qua đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025)
OSLAW