Công ty cổ phần thành lập 3 năm có được thay đổi cổ đông không?

Trên giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh có 4 cổ đông. Nay 1 cổ đông xin rút vốn khỏi công ty. Vậy Công ty cổ phần đã thành lập 3 năm thì có được thay đổi cổ đông không?

1. Quy định về công ty cổ phần thay đổi cổ đông?

Dựa vào thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xác định được trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có 4 cổ đông, tức là có 4 cổ đông sáng lập ra công ty. Bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. 

Theo quy định công ty cổ phần được thay đổi cổ đông sáng lập theo 03 phương thức sau:

- Một là thay đổi cổ đông sáng lập do cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông còn lại hoặc cá nhân, tổ chức khác.

- Hai là đăng ký hủy bỏ tư cách cổ đông sáng lập của một cổ đông do không góp đủ vốn điều lệ đã cam kết.

- Ba là đăng ký rút tư cách cổ đông do hoàn trả lại cổ phần hoặc mua lại cổ phần hoặc mau lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông sáng lập.

Theo quy định pháp luật doanh nghiệp, về nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần thì cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần được quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. 

Mặt khác, căn cứ vào khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đồng sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đồng sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.

Theo đó, ta có thể thấy có 02 cách thức chuyển nhượng cổ phần được công nhận hợp pháp hiện nay gồm:

- Thứ nhất, trong 03 năm đầu tiên hoạt động (kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), các cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần cho nhau; và nếu có nhu cầu chuyển nhượng cho một người khác không phải là cổ đông sáng lập phải được Đại Hội đồng cổ đông đồng ý.

- Thứ hai, sau thời hạn 03 năm,cổ đông sáng lập của công ty được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập cho thành viên khác không phải thành viên trong công ty.

Như vậy, từ những nội dung đã phân tích trên,  sau thời hạn 03 năm đầu tiên hoạt động thì các cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho các cổ đông sáng lập khác và cả những người không phải cổ đông của công ty nếu được Đại hội đồng cổ đông đồng . Tức là, công ty cổ phần thành lập 03 năm vẫn được quyền thay đổi cổ đông sáng lập theo phương thức chuyển nhượng cổ phần.

2. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập

Cổ đông sáng lập khi chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người khác cũng phải tuân thủ quy định về hình thức chuyển nhượng được quy định tại Điều 127 Luật doanh nghiệp năm 2020. Cụ thể như sau: Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.

- Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký.

- Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

- Trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.

Người nhận cổ phần chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. 

Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện nếu cổ đông sáng lập chưa thanh toán  hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp không cần đăng ký thay đổi thông tin cổ đông trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần sẽ được thực hiện theo hình thức nội bộ trong công ty và lưu lại hồ sơ trong công ty khi chuyển nhượng. Tuy nhiên, đối với rường hợp chuyển nhượng cho cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp vẫn phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh theo Điều 58 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn là chuyển nhượng cổ phần trong nội bộ công ty bằng hình thức hợp đồng thì các cổ đông chỉ cần thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nội bộ công ty, không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trình tự thủ tục chuyển nhượng cổ phần công ty của cổ đông sáng lập được thực hiện như sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ chuyển nhượng bao gồm các giấy tờ như sau:

- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần;

- Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần;

- Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần;

- Điều lệ công ty (đã sửa đổi, bổ sung);

- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;

- Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;

- Giấy chứng nhận cổ phần của các cổ đông công ty;

- Cập nhật thông tin cổ đồng mới nhận chuyển nhượng trong Sổ đăng ký cổ đông.

Bước 2. Công nhận việc chuyển nhượng cổ phần

Sau khi hồ sơ đã được ký thì việc chuyển nhượng cổ phần được hoàn thành theo thời gian ghi nhận trên Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, khác với trước đây việc chuyển nhượng cổ phần chỉ hoàn thành khi được Phòng Đăng ký kinh doanh cấp giấy xác nhận thông tin cổ đông sáng lập mới. 

Tiếp theo, Đại hội đồng cổ đông sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận cổ phần cho cổ đông mới, đồng thời thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân.

Bước 3. Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần

Căn cứ vào điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC thì thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp. Như vậy, đối với việc chuyển nhượng cổ phần, người chuyển nhượng phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, căn cứ vào điểm b.2 khoản 2 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần được tính theo công thức sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng cổ phần từng lần x Thuế suất 0,1%

Hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân sẽ bao gồm:

- Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông;

- Quyết định Đại hội đồng cổ đông;

- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;

- Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng.

Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan quản lý thuế Doanh nghiệp (chi Cục thuế hoặc Cục thuế).

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần được xác định tùy thuộc vào 02 trường hợp:

- Trường hợp cá nhân chuyển nhượng tự nộp hồ sơ: trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng.

- Trường hợp kê khai thông qua doanh nghiệp: thực hiện trước khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.