Công chức, viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020.
- Luật phòng chống tham nhũng 2018.
- Luật Viên chức 2010.
- Luật cán bộ, công chức2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019.
2. Công chức, viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?
Theo điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, cán bộ, công chức, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
3. Công chức, viên chức được phép kinh doanh dưới hình thức nào?
Khoản 2 Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng 2018 quy định công chức, viên chức không được tham gia vào các hoạt động doanh nghiệp sau:
- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
- Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
Như vậy, công chức, viên chức được phép kinh doanh với hình thức:
- Góp vốn vào công ty cổ phần (đã thành lập) với tư cách là cổ đông nhưng không được tham gia với tư cách người quản lý doanh nghiệp (Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty);
- Góp vốn với tư cách là thành viên góp vốn đối với công ty hợp danh;
- Kinh doanh dưới hình thức hộ gia đình.