Cổ phần ưu đãi là gì? Ưu điểm và nhược điểm của cổ phần ưu đãi?

1. Cổ phần ưu đãi là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa quy định khái niệm cụ thể về cổ phần ưu đãi. Theo khoản 2 Điều 114 Luật doanh nghiệp 2020, ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi.  Người sở hữu cổ phần ưu đãi được gọi là cổ đông ưu đãi và sẽ nhận được một số ưu đãi nhất định trong quá trình quản lý hoạt động của công ty cổ phần tương ứng với loại cổ phần ưu đãi mà mình nắm giữ.

Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau:

  • Cổ phần ưu đãi cổ tứclà cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng.
  • Cổ phần ưu đãi hoàn lạilà cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty.
  • Cổ phần ưu đãi biểu quyết: là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác; số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi này.
  • Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

2. Ưu nhược điểm của cổ phần ưu đãi

2.1. Cổ phần ưu đãi cổ tức:

  • Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức được nhận cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.
  • Cổ đông có quyền nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản;
  • Không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Có các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ hạn chế về quyền biểu quyết, dự họp, đề cử người như trên.

2.2. Cổ phần ưu đãi biểu quyết

  • Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông khác. Tuy nhiên, ưu đãi này có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
  • Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.
  • Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ hạn chế chuyển nhượng cổ phần như trên.

2.3. Cổ phần ưu đãi hoàn lại

  • Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của mình hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty.
  • Không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 114 và khoản 6 Điều 148 của Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Có các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trừ hạn chế về quyền biểu quyết, dự họp, đề cử người như trên.